from 0 review
Tour hằng ngày
Unlimited
English, Vietnamese
Nằm giữa núi non Xuân Vân và bầu trời xanh ngắt đất Quy Nhơn, hướng về phía biển êm đềm, là nơi an nghỉ của Hàn Mặc Tử – bậc thi nhân của dòng thơ Loạn, để lại cho biết bao thế hệ độc giả những xúc cảm khó phai.
Trong phần trước, chúng ta đã cùng theo chân các bạn sinh viên trường Sài Gòn Act đến với những địa danh nổi tiếng của Bắc Bộ. Chuyến đi đã để lại rất nhiều kỷ niệm đẹp, rất nhiều những kinh nghiệm hay. Lần này, hãy cùng ghé qua mảnh đất miền Trung và vùng duyên hải Nam Trung Bộ để thăm mộ Hàn Mặc Tử, xem diễn võ Tây Sơn và ngắm nhìn đô thị cổ Hội An xinh đẹp.
Đến Ghềnh Ráng thăm mộ thi nhân Hàn Mặc Tử
Nằm giữa núi non Xuân Vân và bầu trời xanh ngắt đất Quy Nhơn, hướng về phía biển êm đềm, là nơi an nghỉ của Hàn Mặc Tử – bậc thi nhân của dòng thơ Loạn, để lại cho biết bao thế hệ độc giả những xúc cảm khó phai. Được nghe rằng, khi đương thời nhà thơ đã chia sẻ với những người bạn của ông một tâm nguyện : sau khi chết sẽ được chôn trên đèo Son – đầu thành phố Quy Nhơn. Xong đến năm 1959, mộ của ông được cải táng và chuyển về Ghềnh Ráng.
Thăm bảo tàng Quang Trung
Rời mộ Hàn Mặc Tử, đoàn đến một địa danh khác thuộc tỉnh Bình Định, đó là một Bảo tàng mang tên người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ, vị lãnh đạo của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn thế kỷ 18. Nơi đây còn lưu giữ, trưng bày những hiện vật quan trọng liên quan đến phong trào Tây Sơn. Bảo tàng Quang Trung là một trong những địa chỉ hấp dẫn các nhà nghiên cứu và du khách trong và ngoài nước khi đến với vùng đất Nam Trung bộ này
Đến Bảo tàng Quang Trung, đoàn không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc, những hiện vật trưng bày mà còn được xem biểu diễn võ thuật và trống trận Tây Sơn. Một bài trống trận Tây Sơn gồm 3 hồi: Xuất trận, xung trận – công thành, ca khúc khải hoàn…, không hề có hồi trống trận lui quân như những bài trống trận thông thường. Phải chăng trong suốt cuộc đời cầm quân đánh giặc chưa một lần Quang Trung thất bại, chưa một lần phải lui quân, cứ thắng dồn dập như chẻ tre, nên trống trận chỉ có tiến mà không có lùi.
Sau trống trận là múa quyền, côn và các loại binh khí Tây Sơn – như hiện ra trước mắt hình ảnh nữ đô đốc Bùi Thị Xuân uy nghi, mạnh mẽ trên bành voi cầm quân, khiển tướng. Bài múa võ thật hay, hòa âm hưởng của nhạc võ Tây Sơn, một bức tranh sinh động của những người anh hùng áo vải, dựng cờ đào, thật không hổ danh với câu thơ lan truyền rất lâu: Ai về đất võ mà xem, con gái Bình Định múa roi đánh quyền… Trống trận Tây Sơn là một bản hùng ca bất hủ, hừng hực tinh thần thượng võ và hào khí Quang Trung – là một kho tàng văn hóa phi vật thể vô cùng quý báu của nhân dân ta…
Phố cổ Hội An
Tiếp theo chuyến hành trình là đến với Phố Hội cổ kính nép bên cạnh con sông Thu Bồn.
Hành trình khám phá Hội An bắt đầu từ sáng sớm dạo bước qua những con phố nhỏ cũng đã mấy trăm năm phai mòn thời gian.
Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam, là thành phố du lịch nổi tiếng với tên thường gọi “Phố cổ Hội An”. Đến với Hội An là đắm mình vào không gian văn hóa truyền thống với các làng nghề xưa như làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng đúc đồng Phước Kiều… Khu phố cổ Hội An phô trương phong cách kiến trúc truyền thống và các di tích như Hội Quán Phúc Kiến, Chùa Cầu, miếu Quan Công hay Chùa Ông và nhà thờ tộc Trần. Các món ăn cao lầu, mì Quảng, bánh xèo và lễ hội đua ghe cũng là những yếu tố thu hút nhiều người đến với du lịch Hội An.
Dòng kênh nhỏ êm đềm chảy qua phố cổ, thành phố Hội An xinh đẹp có niên đại khoảng 2.000 – 3.000 năm tuổi. Với bề dày lịch sử, kiến trúc và văn hóa độc đáo, trở thành một điểm du lịch phổ biến của du khách trong và ngoài nước.
Thánh địa Mỹ Sơn
Rời Hội An trong một tâm trang còn nuối tiếc, đoàn di chuyển về hướng tây để đến với điểm tiếp theo trong hành trình đó là cụm di sản tháp Chăm Thánh Địa Mỹ Sơn
Khu đền tháp Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, nằm cách thành phố Hội An 45km về phía Tây, cách thành phố Đà Nẵng 70km về phía Tây Nam.
Bắt đầu từ những thế kỷ đầu công nguyên, trên dải đất miền Trung – Việt Nam đã nảy sinh và phát sáng rực rỡ một nền văn hoá Chămpa độc đáo. Trong đó, vùng đất Quảng Nam với tên gọi xưa là Amaravati, được các văn bia cổ nhắc đến như là trái tim của vương quốc Chămpa trong một giai đoạn khá dài.
Được khởi công từ thế kỷ 4 bởi vị vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ 13, đầu thế kỷ 14 dưới triều vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân), Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa. Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Ngoại trừ một vài tháp quay về hướng Tây hoặc cả hai hướng Đông – Tây, các đền tháp phần lớn quay về hướng Đông – hướng mặt trời mọc, chỗ trú ngụ của thần linh. Thể hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của các vị vua sau khi chết để tỏ lòng hoài niệm và biết ơn đối với người có công.
Do thiên tai, địch họa và sự tàn phá của bom đạn chiến tranh, đến nay Mỹ Sơn chỉ giữ lại được khoảng gần 20 tháp. Tuy nhiên, tất cả tài liệu bia ký, kết quả khảo cổ, dấu tích vật chất còn lưu lại tại Mỹ Sơn và một số bảo tàng trong nước như bảo tàng Chămpa Đà Nẵng, bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh … cũng đủ làm cho chúng ta vô cùng thán phục về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và trang trí của người Chămpa cổ xưa. Đặc biệt, cho đến nay kỹ thuật kết dính vật liệu không có mạch hồ trong việc xây dựng đền tháp ở Mỹ Sơn vẫn là một bí ẩn luôn kích thích sự tìm tòi, nghiên cứu và đam mê khám phá của các nhà khoa học cũng như đối với mỗi chúng ta.
Không đồ sộ, kỳ vĩ như Ăngkor (Campuchia), Pagan (Myanma), Borobudua (Indonesia)… nhưng Mỹ Sơn vẫn có một vị trí rất quan trọng trong nền văn hóa nghệ thuật của vùng Đông Nam Á. Tháng 12 năm 1999 khu đền tháp Mỹ Sơn đã được UNESCO ghi tên vào danh mục các di sản văn hóa thế giới.
Thoughtful thoughts to your inbox
Khách hàng